– PV: Thưa luật sư, qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Công ty Cổ phần phân phối Top One, ông nhận định như thế nào?
– Luật sư Nguyễn Văn An: Việc lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn và sử dụng tài sản doanh nghiệp một cách trái pháp luật thông qua làm giả các văn bản như: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Báo cáo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, Báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là hành vi tham ô tài sản.
Nếu hai cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phân phối Top One là ông Nguyễn Hữu Khá và ông Đinh Văn Tạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của công ty thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông công ty này. Bởi cổ đông là những người tin tưởng, bỏ số tiền lớn để đầu tư với niềm tin ban lãnh đạo công ty dùng vốn điều lệ sử dụng vào mục đích kinh doanh đúng đắn nhằm phát triển doanh nghiệp, đem lại một mức lợi tức phù hợp cho họ.
Theo tôi, các cổ đông khi đầu tư cần theo dõi sát sao hoạt động của công ty và ban lãnh đạo công ty, nhằm có những ý kiến, biện pháp kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– PV: Xin luật sư cho biết, một số điều luật quy định quyền và nghĩa vụ đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp? Nếu Hội đồng quản trị có thành viên giả mạo mà Chủ tịch Hội đồng quản trị biết, thì người này có vi phạm gì không và phải chịu trách nhiệm, xử lý như thế nào?
– Luật sư Nguyễn Văn An: Thành viên Hội đồng quản trị sẽ tham gia thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo các quyền hạn và nghĩa vụ chung của cả ban Hội đồng quản trị. Chính vì thế, quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị sẽ tương ứng với các quyền hạn và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 149, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Nếu trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty biết có thành viên giả mạo và cố tình để thành viên đó tham gia vào các cuộc họp để ban hành các Nghị quyết của Hội đồng quản trị một cách trái pháp luật, nhằm chiếm đoạt tài sản của cổ đông thì có thể cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Luật sư Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty Luật 24h |
– PV: Luật sư có thể phân tích để bạn đọc hiểu rõ hơn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản trị lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn, làm giả Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng quản trị và các văn bản, tài liệu khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty thì vi phạm những điều luật nào? Bị xử lý ra sao?
– Luật sư Nguyễn Văn An: Nếu Chủ tịch Hội đồng quản trị lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn, làm giả Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết của Hội đồng quản trị và các văn bản, tài liệu khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty thì đủ yếu tố cấu thành các tội: Thứ nhất, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Thứ hai, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Thứ ba, tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, nếu Chủ tịch Hội đồng quản trị có hành vi cố ý tiêu hủy tài liệu của công ty còn có thể cấu thành tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 342, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
– PV: Trong trường hợp như hai cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phân phối Top One bị tố lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn, làm giả Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, “vẽ” dự án… nhằm chiếm đoạt tiền của công ty thì các cổ đông cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa luật sư?
– Luật sư Nguyễn Văn An: Thứ nhất, về trách nhiệm dân sự: Các cổ đông có thể khởi kiện đến Tòa án Nhân dân có thẩm quyền yêu cầu hủy các Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu như hai cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị đó gây thiệt hại cho cổ đông và công ty
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự: Các cổ đông có quyền nộp đơn tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cơ quan điều tra có hành vi chậm trễ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông thì các cổ đông cần làm đơn khiếu nại về hành vi chậm trễ lên cấp cao hơn để đốc thúc xử lý. Đồng thời, các cổ đông nên tìm kiếm, thu thập thêm bằng chứng, chứng cứ, tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo.
– PV: Thưa ông, khi nhận được đơn tố cáo của công dân thì các cơ quan thẩm quyền liên quan trong việc tiếp nhận đơn, giải quyết tố cáo phải thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm gì đối với công dân?
– Luật sư Nguyễn Văn An: Khi giải quyết tố cáo thì các cơ quan thẩm quyền liên quan trong việc tiếp nhận đơn, giải quyết tố cáo phải có nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Điều 5, Điều 11, Luật Tố cáo 2018. Khi nhận được đơn tố cáo của công dân thì các cơ quan thẩm quyền liên quan trong việc tiếp nhận đơn, xử lý ban đầu thông tin tố cáo phải có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 24, Luật Tố cáo 2018.
– PV: Trân trọng cảm ơn luật sư!
(Còn nữa)
Nhóm PV
Theo báo Tuổi trẻ Thủ đô: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-4-goc-nhin-cua-luat-su-230741.html
Bài viết liên quan: