05/07/2019 – 4:47 PM
TOP đã làm được gì trong thời gian qua?
CTCP Phân Phối Top One trước đây tập trung vào các lĩnh vực phân phối dược liệu, đầu tư vào khách sạn và từ năm 2015 mở rộng thêm một số lĩnh vực kinh doanh khác. Đặc biệt, tại đại hội đồng cổ đông lần này, công ty đã lập kế hoạch chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, được biết tại Nghị quyết HĐQT ngày 26/03/2019 về việc mua lại công ty con. Đề cập đến việc đầu tư vào CTCP chế biến rau củ quả và thảo dược Nam Hà với số tiền trên 240 tỷ đồng, HĐQT công ty đã tìm hiểu khá kỹ lưỡng trong 1 thời gian dài trước khi đâu tư vào công ty này. Với số tiền chuyển nhượng như trên, công ty Top One đã được thừa hưởng toàn bộ nền tảng có sẵn của công ty dược Nam Hà như: Nhà xưởng chế biến thuỷ sản, sản xuất nước đá, dây chuyền chế biến củ quả, cây xăng, bến phà và đặc biệt đã cho doanh thu và lợi nhuận ngay từ năm 2019.
Tại ĐHĐCĐ lần này, ông Đinh Văn Tạo – Chủ tịch HĐQT – đã không trúng cử nhiệm kỳ tới và bị bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, đây là một kết quả rất bất ngờ trong ĐHĐCĐ lần này của Top One, như ông Tạo tâm sự cùng các cổ đông trong giờ giải lao trước khi kiểm phiếu “Top One là đứa con tinh thần, chứa đựng rất nhiều tâm huyết của tôi, tôi đang rất nỗ lực để tái cơ cấu đưa Top One vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư, Ông Tạo cũng cho biết thêm vào tháng 8/2018, Công ty đã thay đổi hầu hết các cấp lãnh đạo chủ chốt để tiến tới cải tổ toàn diện hoạt động của công ty”.
Thay cho vị trí của ông Tạo là ông Nguyễn Hữu Khá với sức trẻ, nhiệt huyết cũng như kinh nghiệm ở vị trí quản lý cấp cao ở công ty chuyên về sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, có lẽ sẽ mở ra cho Top One một giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn.
Một số chỉ tiêu kinh doanh nổi bật trong năm 2018 của TOP
Có thể thấy từ năm 2016 trở đi, tình hình hoạt động của công ty có xu hướng giảm đi rõ rệt. Tất cả các chỉ tiêu tài chính của năm 2018 đều giảm mạnh so với năm 2017. Điểm qua các chỉ tiêu quan trọng: Doanh thu đã giảm đi 50% so với năm 2017, từ 132 tỷ đồng chỉ còn 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại không giảm bao nhiêu so với năm 2017. Do năm 2017 công ty có 1 khoản thu từ hoạt động tài chính lên dến 766 triệu đồng. Tuy nhiên, việc nguồn thu không đến từ hoạt động chính của công ty sẽ mang khá nhiều rủi ro và năm 2018, do không còn nguồn thu từ hoạt động tài chính nên doanh thu đã giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2018 đã có sự sa sút khi chỉ ghi nhận ở mức 284 triệu sau thuế.
Với tình hình tài chính không mấy khả quan trên, TOP đã có những điều chỉnh cấp bách để lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư như việc thay đổi cơ cấu bộ máy nhân sự và mở rộng hướng kinh doanh sang ngành nông nghiệp và thủy hải sản. Việc nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng vào sự trở lại của công ty cũng như giá cổ phiếu TOP đang ở dưới đáy kể từ khi lên sàn là có thể. Tuy nhiên, thời gian đầu luôn khó khăn và việc đi thêm một bước đi mới cũng có thể là mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro hơn.
Điểm qua một số thông tin về cổ phiếu TOP, sau khi chính thức lên sàn từ năm 2015 và liên tục tăng trần thì cổ phiếu TOP đã giảm sàn và hiện đang duy trì ở mức giá 1,000 đồng/cp. Điểm sáng duy nhất ở cổ phiếu TOP chính là duy trì được mức thanh khoản khá đều đặn ở mỗi phiên. Với tình hình hiện tại, nếu kết quả kinh doanh năm 2019 của TOP khả quan thì giá cổ phiếu tăng trở lại không phải vấn đề quá khó khăn, bất chấp trước đó có rất nhiều thông tin trái chiều về cổ phiếu TOP.
Triển vọng ngành thủy sản và TOP được hưởng lợi những gì ?
Hãy cùng điểm qua một số thông tin về ngành thủy sản năm 2018 và đầu năm 2019.
Lần đầu tiên sau 7 năm, ngành nông nghiệp mới lấy lại được mức tăng trưởng 3.76%. Năm 2019 với những tín hiệu tích cực từ thị trường, thủy sản Việt Nam sẽ có triển vọng như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng mở cửa hội nhập, cơ hội nhiều và thách thức cũng không ít?
Nếu như nửa đầu năm 2018, thủy sản Việt Nam vẫn còn chưa hết khó khăn do các hàng rào thuế quan (thuế chống bán phá giá), các hàng rào kỹ thuật do các thị trường lớn như Mỹ dựng lên, rồi “bóng đen” của các đợt truyền thông bôi nhọ hình ảnh con cá tra của Việt Nam, hay việc Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam… Những tưởng với khó khăn chồng chất, thủy sản Việt Nam khó đạt được mục tiêu đề ra năm 2018. Thế nhưng, vượt lên tất cả khó khăn ấy, thủy sản Việt Nam vẫn đứng vững trên thị trường quốc tế bằng chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Kết quả cho nỗ lực ấy là năm 2018, thủy sản cán đích xuất khẩu 9 tỷ USD, tăng 8.4% so với năm 2017. Trong đó, hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017: Cá tra đạt 2.26 tỷ USD, tăng 26.4%; nhóm hải sản gồm cá ngừ đạt 675 triệu USD, tăng 13.9%; các loại cá khác 1.52 tỷ USD, tăng 15.5%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9.1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23%. Riêng cá tra lần đầu đạt kim ngạch xuất khẩu 2.3 tỷ USD, góp phần không nhỏ giúp ngành thủy sản đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2018 trong bối cảnh tôm bị sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.
Ở nửa cuối năm 2018, thủy sản Việt Nam lên tiếp đón nhận tin vui khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ ngày 1-2-2016 đến 31-1-2017) thấp hơn nhiều so với kết quả sơ bộ trước đó, với mức thuế là 4.58% (trước đó là 25.39%). Tin vui thứ hai là, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật Thanh tra Cá da trơn của Mỹ. Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung theo các chuyên gia chính là những cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng trưởng và phát triển.
Với những thông tin liên tiếp tốt đến với ngành thủy sản Việt Nam, tất nhiên việc chuyển hướng sang phát triển ngành thủy sản là rất có tiềm năng phát triển đối với TOP. Tuy nhiên, việc định vị rõ phân khúc sản phẩm cũng như chiến lược để có thể đón đầu xu thế cũng như tận dụng được những lợi thế như trên cũng không phải dễ dàng. Đầu tiên phải kể đến là việc tìm chỗ đứng trong thị trường nội địa khi hiện nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản đã nắm nhiều thị phần. Có thể nói bắt đầu bước chân vào lĩnh vực gì thì những bước chân đầu tiên vẫn là quan trọng nhất. TOP vẫn có cơ hội nếu xây dựng một chiến lược đúng đắn và chắc chắn.
FILI – NGUỒN VIETSTOCK
Bài viết liên quan: