Dù khó khăn vẫn còn tồn tại, khi doanh nghiệp chật vật với dòng tiền, giới chuyên gia và những nhà đầu tư lâu năm đều đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường bất động sản năm 2023.
Thị trường “thấm” khó khăn
Thị trường bất động sản đang được đánh giá là “thấm” những khó khăn sau nhiều tháng lượng giao dịch sụt giảm mạnh, khả năng tiệm cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp và nhà đầu tư trở nên chật vật.
Người mua nhà tạm dừng kế hoạch mua nhà khi lãi suất tăng, cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính co hẹp. Thiếu dòng tiền thu, các doanh nghiệp cũng trở nên lao đao. Cắt giảm nhân sự, thậm chí đang đứng trước tình trạng nợ lương nhân viên đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp bất động sản. Môi giới thất nghiệp và chuyển nghề không còn là tình trạng hiếm gặp.
Sự khó khăn của thị trường địa ốc còn được ghi nhận sự cố gắng xoay xở của doanh nghiệp khi trả lương nhân viên bằng cổ phiếu, gia hạn nợ lương, chậm thanh toán tiền hoa hồng cho môi giới… Một số dự án bắt đầu tạm dừng xây dựng. Hàng loạt chính sách bán hàng với chiết khấu cao được đẩy ra với mục tiêu hút dòng tiền càng sớm càng tốt.
Không ít doanh nghiệp đứng trước lo ngại về khoảng thời gian đáo hạn trái phiếu. Áp lực lớn đang đè nặng.
Dẫu còn “khó chồng khó” nhưng giới chuyên gia và nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, bước sang năm 2023 thị trường sẽ sớm phục hồi.
Các chuyên gia và các nhà đầu tư cho rằng, sự khó của thị trường 2022 đã kéo dài gần một năm qua và điều quan trọng nhất là sự can thiệp và điều hành của Chính phủ đang đưa thị trường vào quỹ đạo. Điều chỉnh và sàng lọc – đó là cách mà giới chuyên gia và nhà đầu tư nhận định về bức tranh thị trường hiện tại. Thế nên họ lạc quan chờ đợi sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong năm 2023.
Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường
Lạc quan đánh giá về thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kênh đầu tư này đang trầm lắng mà không “đóng băng”. Vị chuyên gia này đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Chính bởi vậy, ông dự báo, chỉ đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.
Lý giải cho nhận định này, ông Hà nói, ở quý đầu năm, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay; các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại.
Cũng theo ông Hà, thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới các thị trường khác như thị trường tài chính, làm gia tăng nợ xấu; các lĩnh vực sản xuất khác cũng sẽ bị đình trệ, đặc biệt là ngành vật liệu xây dựng sẽ không có đầu ra tiêu thụ nếu thị trường bất động sản không phát triển được các dự án mới; đồng thời gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngành xây dựng.
Chính vì vậy, Chính phủ sẽ cần khơi thông những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản bằng việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong thủ tục đầu tư, phát triển dự án để gia tăng nguồn cung mới cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để huy động được nguồn vốn trong dân, vốn từ trái phiếu, các quỹ đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Trường Thắng, một nhà đầu tư lâu năm, Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, sang năm 2023 thị trường với những sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý đầy đủ, thị trường sẽ có những bước phát triển trở lại, nhất là khi dòng vốn đầu tư công được giải ngân, tín dụng ngân hàng mở trở lại và các dự án triển khai hoàn thiện ra hàng nhiêu hơn.
(Nguồn: Cafef)
Bài viết liên quan: